Nguồn gốc danh xưng Thập toàn Võ công

Càn Long là vị vua thứ năm của Thanh triều và là một trong hai vị vua nhà Thanh cai trị Trung Hoa lâu nhất, hơn 60 năm. Sau khi kế vị ngai vàng, Càn Long được thừa hưởng một nền thái bình và một ngân khố đầy ắp do cha ông là Ung Chính gây dựng. Vì thế, Càn Long có điều kiện để tiêu xài tiền bạc cho các công trình kiến trúc, các cuộc tuần du, các cuộc viễn chinh và các tác phẩm sử học, văn học nghệ thuật được biên soạn và in ấn quy mô.

Trong những năm cuối đời, tự hào với những thành tích "vĩ đại" mà mình đã đạt được, năm 1792, Càn Long tự soạn một tập sách mang tên "Thập toàn ký" (十全記)[1], ghi lại 10 chiến dịch quân sự lớn tiêu biểu mà ông ta gọi là Thập toàn võ công, như sau:

"Bình Chuẩn Cát Nhĩ hai lần, định Hồi bộ, quét Kim Xuyên hai lần, an Đài Loan một lần, hàng Miến Điện, An Nam, thu phục Khuếch Nhĩ Khách hai lần, hợp lại là 10."[2]

— "Thập toàn ký", mục "Thập toàn võ công"

Càn Long cũng cho vẽ 94 bức tranh để biểu dương chiến công gồm các bộ "Bình định Chuẩn Cát Nhĩ Hồi Bộ đắc thắng đồ" (16 bức), "Bình định Lưỡng Kim Xuyên đắc thắng đồ" (16 bức), "Bình định Đài Loan đắc thắng đồ" (12 bức), "Bình định An Nam đắc thắng đồ" (6 bức), "Bình định Khuếch Nhĩ Khách đắc thắng đồ" (8 bức), "Bình định Miêu Cương đắc thắng đồ" (16 bức), "Bình định Trọng Miêu đắc thắng đồ (4 bức) và "Bình định Hồi Cương đắc thắng đồ" (10 bức).

Sách soạn xong, Càn Long sai người chép thành các tiếng Mãn, Hán, Mông, Tạng để khắc lên văn bia. Càn Long cũng tự đặt cho mình cái biệt hiệu Thập Toàn Lão Nhân (十全老人), mang ý nghĩa tự phụ về tư đức cũng như công nghiệp.

Tuy để lại nhiều dấu ấn trong "văn trị", nhưng trong "võ công" thì Càn Long gặp nhiều thất bại hơn thắng lợi. Trong 8 cuộc chinh phạt lân bang do Càn Long phát động thì chỉ có 2 lần đánh người Chuẩn Cát Nhĩ (vào năm 1755 và năm 1756 - 1757) và 1 lần đánh người Hồi Hột (vào năm 1758 - 1759) là thu được thắng lợi. Còn các cuộc chinh phạt khác, hoặc bị đại bại như 2 cuộc xâm lược Miến Điện và Việt Nam, hoặc phải rút lui do tốn kém tiền của và binh lính mà vẫn không thành công.

Dù thất bại trong các cuộc chiến tranh với lân bang nhưng Càn Long luôn tự huyễn hoặc bản thân và đình thần về những thắng lợi của các cuộc chinh phạt. Vì thế, sau mỗi cuộc chiến, Càn Long đều sai người làm tranh đồng bản họa để ca ngợi chiến công của mình.